IRS Công Bố Mười Hai Mưu Đồ Lừa Đảo Thuế Vụ trong năm 2012

Thông báo: Nội dung lịch sử


Đây là một tài liệu lưu trữ hoặc lịch sử và có thể không phản ánh luật pháp, chính sách hoặc thủ tục hiện hành.

WASHINGTON - Hôm nay IRS (Internal Revenue Service, hay Sở Thuế Vụ) đã nêu rõ danh sách xếp hạng “Mười Hai Điều Bất Chánh” (Dirty Dozen) hàng năm thuộc lĩnh vực lừa đảo thuế vụ nhằm nhắc nhở người đóng thuế phải thận trọng bảo vệ bản thân trong thời kỳ khai thuế để phòng tránh hàng loạt mánh khóe đa dạng, từ mạo danh tới gian lận khi khai thuế thuê.

Danh sách Mười Hai Điều Bất Chánh - do IRS biên soạn mỗi năm - liệt kê những kiểu lừa đảo phổ biến mà người đóng thuế có thể gặp phải vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Nhiều mánh khóe trong số đó được vận dụng ở mức cao nhất trong thời kỳ đệ nộp, khi mọi người chuẩn bị và điền tờ khai thuế.

“Người đóng thuế phải cẩn thận để khỏi lọt vào bẫy rập của Mười Hai Điều Bất Chánh”, Ủy Viên IRS Doug Shulman cho biết như vậy. “Bằng cách gặp tận mặt, trực tuyến và qua điện thư, những kẻ lừa siêu đẳng sẽ nhử nạn nhân với lời hứa hẹn sai quấy về việc hoàn thuế và khoản tiền miễn phí. Đừng để bị lừa vì những mưu đồ bất lương này.”

Lừa đảo phi pháp thì sẽ bị phạt một món tiền lớn cùng với tiền lời, và còn có thể bị truy tố hình sự. Phân Ban Điều Tra Hình Sự (Criminal Investigation Division) của IRS hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư Pháp (Department of Justice) để tiễu trừ những trường hợp lừa đảo và truy tố bọn tội phạm ẩn núp theo đó.

Sau đây là Mười Hai Mưu Đồ Lừa Đảo Thuế Vụ trong năm 2012:

Đánh Cắp Tên Tuổi (Mạo Danh) (Identity Theft) 

Đứng đầu danh sách Mười Hai Điều Bất Chánh trong năm nay là đánh cắp danh tánh. Để đối phó với mối quan tâm lo ngại ngày càng tăng về vấn đề mạo danh, IRS đã bắt tay thực hiện một sách lược toàn diện chú trọng vào việc phòng chống, phát hiện và giải quyết những trường hợp này càng sớm càng tốt. Ngoài biện pháp trừng trị của cơ quan công lực, IRS còn dấn bước sâu hơn vào hoạt động kiểm xét nội bộ để dò tìm những tờ khai thuế giả dối trước khi phát lệnh hoàn tiền, đồng thời cũng góp phần giúp đỡ các nạn nhân bị sập bẫy mạo danh lấy tiền hoàn thuế.

Đánh cắp tên tuổi nằm trong số các trường hợp phức tạp nhất mà IRS phải xử trí, nhưng cơ quan này vẫn quyết tâm trợ lực cho những người đóng thuế bị mạo danh.

IRS thấy càng ngày càng có nhiều kẻ mạo danh tìm cách sử dụng tên tuổi và thông tin cá nhân hợp pháp của người đóng thuế để đệ nộp tờ khai và giành lấy số tiền hoàn lại.

Khi IRS gởi thông báo bảo rằng người đóng thuế đã đứng tên nộp ít nhất hai tờ khai - hoặc có lương bổng từ hãng sở không quen biết - thì đấy là dấu hiệu đầu tiên cho thấy người đó đã trở thành nạn nhân.

IRS đã có sẵn tiến trình dò tìm sàng lọc tinh vi cùng với nhiều biện pháp chận đứng những tờ khai gian lận. Trong khi tiếp tục mạnh bạo đối ứng vấn đề mạo danh thuế vụ, IRS cũng nhận thấy số trường hợp phạm tội thuộc lĩnh vực này đã tăng lên, và mánh khóe thì ngày càng lắt léo hơn. IRS đã bảo vệ hơn $1.4 tỉ ngân quỹ năm 2011 và không để lọt vào tay kẻ xấu chuyên mạo danh người đóng thuế.

IRS đã loan báo kết quả của chiến dịch càn quét ồ ạt trên toàn quốc để trừng trị những thủ phạm mạo danh vào tháng Giêng - đây là một phần của nỗ lực tăng cường chống gian lận hoàn tiền và đánh cắp tên tuổi. Nhờ hợp tác với Phân Ban Thuế Vụ (Tax Division) của Bộ Tư Pháp và các văn phòng Chưởng Lý Hoa Kỳ (Hoa Kỳ Attorney) tại địa phương, công sức cố gắng này đã giúp tóm được 105 người ở 23 tiểu bang.

Bất kỳ người nào nghĩ rằng thông tin cá nhân của mình đã bị mất cắp và dùng vào mục đích thuế vụ đều phải lập tức liên lạc với Đơn Vị Đặc Nhiệm Bảo Vệ Danh Tánh (Identity Protection Specialized Unit) của IRS. Muốn biết thêm thông tin thì nên đến trang chuyên đề mạo danh, www.IRS.gov/identitytheft.

Mồi Chài Qua Điện Thư (Phishing) 

Phishing là dạng lừa đảo thường thực hiện qua điện thư không mời mà đến - hoặc mạng lưới giả làm địa điểm hợp pháp - để dẫn dụ nạn nhân và nhắc gọi họ cho biết thông tin quý giá (cá nhân và tài chánh). Nhờ có thông tin này, bọn tội phạm sẽ dễ dàng mạo danh hoặc trộm lấy của cải tài sản.

Nếu quý vị nhận được điện thư không mời mà đến và có vẻ là xuất phát từ IRS hoặc cơ cấu tổ chức có liên kết mật thiết với IRS - chẳng hạn như EFTPS (Electronic Federal Tax Payment System, hay Hệ Thống Trả Thuế Liên Bang Theo Dạng Điện Tử) - thì hãy trình báo bằng cách gởi điện thư đó tới phishing@irs.gov.

Điều quan trọng phải nhớ nằm lòng là: IRS không khởi xướng liên lạc với người đóng thuế qua điện thư để yêu cầu cho biết thông tin cá nhân hoặc tài chánh. Trong đó gồm luôn bất cứ dạng giao tiếp điện tử nào, chẳng hạn như tin nhắn và các kênh truyền thông xã hội. IRS có nhiều thông tin giúp quý vị tự bảo vệ để khỏi bị lừa đảo qua điện thư.

Gian Lận Khi Khai Thuế Thuê (Return Preparer Fraud)

Năm nay sẽ có khoảng 60 phần trăm số người đóng thuế thuê chuyên viên thuế vụ điền dùm và đệ nộp tờ khai. Đa số người khai thuê đều trung thực khi phục vụ khách hàng, nhưng cũng như ở bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào khác, vẫn có một vài kẻ chuyên săn con mồi nhẹ dạ cả tin.

Theo những gì đã biết thì người khai thuê đáng ngờ sẽ xà xẻo tiền hoàn thuế của khách hàng, thổi phồng lệ phí dịch vụ điền tờ khai, và thu hút khách hàng mới bằng cách hứa hẹn giúp được hoàn lại một món tiền phóng đại hoặc rất bảo đảm. Người đóng thuế phải lựa chọn cẩn thận khi muốn thuê người khai thuế. Tòa án liên bang từng ban bố hàng trăm án lệnh bắt buộc nhiều người phải ngưng khai thuế thuê, và Bộ Tư Pháp vẫn đang cứu xét đơn khiếu nại tố cáo nhiều người khác.

Trong năm 2012, mọi người khai thuê đều phải có PTIN (Preparer Tax Identification Number, hay Mã Số Thuế của Người Khai Thuê) và ghi rõ số này vào tờ khai mà họ điền.

Những dấu hiệu cần dè chừng khi gặp phải người khai thuế thuê vô lương tâm là họ:

  • Không ký tên vào tờ khai hoặc không ghi Mã Số Thuế của Người Khai Thuê trên đó.
  • Không giao bản sao tờ khai thuế cho quý vị.
  • Hứa hẹn có được một món tiền hoàn thuế lớn hơn bình thường.
  • Lấy lệ phí điền tờ khai theo tỷ lệ phần trăm với số tiền hoàn thuế.
  • Đòi hỏi quý vị trích tiền hoàn thuế để trang trải lệ phí khai thuê.
  • Thêm vào hồ sơ khai thuế những biểu mẫu quý vị chưa từng đệ nộp.
  • Khuyến khích quý vị ghi thông tin giả dối trên tờ khai, chẳng hạn như lợi tức, phí tổn và/hoặc tín dụng không có thật.

Muốn được khuyên bảo về cách tìm chuyên viên thuế vụ có đủ năng lực thì nên xem Hướng Dẫn Chọn Người Khai Thuế.

Che Dấu Lợi Tức Ở Hải Ngoại (Hiding Income Offshore)

Những điều phát hiện dần theo năm tháng là có nhiều người trốn thuế Hoa Kỳ bằng cách che dấu lợi tức tại các ngân hàng hải ngoại, trong trương mục môi giới hay ở pháp nhân đại diện, và sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc chuyển tiền để xuất nhập ngân quỹ. Nhiều người khác cũng dùng quỹ tín thác ngoại quốc, mánh khóe thuê nhân viên, niên kim tư hữu hoặc chương trình bảo hiểm với cùng một mục đích.

IRS sử dụng thông tin thâu thập từ quá trình điều tra để truy nã người đóng thuế có trương mục chưa khai báo, và cả những ngân hàng hay viên chức ngân hàng bị nghi ngờ đã giúp khách hàng che dấu tài sản ở hải ngoại. IRS hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư Pháp để truy tố các trường hợp trốn thuế.

Nếu có lý do hợp pháp để duy trì trương mục tài chánh tại hải ngoại thì vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ trình báo. Người nào đóng thuế ở Hoa Kỳ nhưng đang có những trương mục như thế và không tuân hành quy định báo cáo khai trình thì xem như phạm luật, sẽ phải nộp món tiền phạt lớn cùng với khoản chế tài, và còn có thể bị truy tố hình sự.

Tính từ năm 2009 đã có 30,000 người tự thiện nguyện tiết lộ trương mục tài chánh của họ ở ngoại quốc, nhờ đó được hưởng cơ hội đặc biệt là dễ dàng nhập luồng tiền vào hệ thống thuế vụ Hoa Kỳ và giữ trọn nghĩa vụ nộp thuế. Và khi các quy định mới - về việc trình báo trương mục ngoại quốc - bắt đầu có hiệu lực trong vài năm tới thì càng ngày càng khó che dấu lợi tức ở hải ngoại.

Vào đầu năm nay, IRS đã tái lập OVDP (Offshore Voluntary Disclosure Program, hay Chương Trình Thiện Nguyện Khai Trình Tài Sản Ở Hải Ngoại) khi thấy sức lưu tâm mạnh mẽ từ người đóng thuế và hành nghề thuế vụ sau lần kết sổ các chương trình năm 2011 và 2009. IRS tiếp tục hợp tác với Bộ Tư Pháp để giải quyết hàng loạt vấn đề thuế má quốc tế đa dạng và không ngừng nỗ lực tiến hành truy tố hình sự những trường hợp trốn thuế quốc tế. Chương trình sẽ mở ngỏ trong thời gian vô hạn định cho tới khi có loan báo khác.

Hiện tại IRS đã truy thu $3.4 tỉ (hải ngoại) từ những người tham gia vào chương trình năm 2009 - nghĩa là kết sổ được khoảng 95 phần trăm số trường hợp trong năm 2009. Thêm vào đó, IRS cũng truy thu được $1 tỉ phụ trội từ các khoản trả trước đã định theo chương trình năm 2011. Con số này sẽ tăng thêm khi IRS tiếp tục thụ lý những trường hợp trong năm 2011.

“Khoản Tiền Miễn Phí” từ IRS & Những Vụ Lừa Đảo Thuế Vụ Có Liên Quan Tới An Sinh Xã Hội ("Free Money" from the IRS & Tax Scams Involving Social Security)

Các tờ bố cáo và quảng bá về khoản tiền miễn phí từ IRS - trong đó nói rằng người đóng thuế có thể đệ nộp tờ khai mà không cần hoặc chỉ phải đính kèm chút ít tài liệu - đã xuất hiện ở nhiều cộng đồng tôn giáo khắp toàn quốc. Dạng mánh khóe này cũng thường được truyền miệng khi những người nhẹ dạ cả tin (nhưng có thiện ý) nói lại cho bạn bè và thân nhân biết.

Con mồi dễ xơi của kẻ lừa đảo là người nghèo khó và cao niên. Chúng khơi mào những hy vọng hão huyền rồi tính tiền thật sau khi nêu lời khuyên vô ích. Cuối cùng thì nạn nhân mới biết các mục đã khai đều bị bác bỏ, nhưng bọn mánh mung đã lẩn mất từ lâu. IRS kêu gọi mọi người đóng thuế hãy luôn luôn cảnh giác.

Có một số trường hợp lừa đảo thuế vụ liên quan tới An Sinh Xã Hội. Thí dụ: đã biết được là bọn lừa đảo dẫn dụ người nhẹ dạ cả tin bằng nhiều hứa hẹn về món tiền hoàn thuế An Sinh Xã Hội hay miễn giảm không có thật. Trong hoàn cảnh khác, người đóng thuế quả thật được hưởng tín dụng hoặc hoàn tiền nhưng lại điền thông tin thổi phồng vào tờ khai.

Hãy coi chừng. Sai lầm cố ý thuộc loại này sẽ bị phạt tiền $5,000.

Lợi Tức và Phí Tổn Giả Trá/Phóng Đại (False/Inflated Income and Expenses)

Một kiểu lừa đảo phổ biến khác là ghi lợi tức chưa từng có được - dưới dạng lương bổng hay lợi tức tư doanh - để làm tăng tối đa khoản tín thuế được hoàn tiền. Khai lợi tức không thật có hoặc phí tổn không trả để thu về một món tín dụng khả hoàn trả lớn hơn - chẳng hạn như Tín Thuế Lợi Tức Do Lao Động (Earned Income Tax Credit) - thì sẽ chịu hậu quả trầm trọng. Phải nộp lại hết khoản hoàn thuế lầm lẫn, kể cả tiền phạt cùng với tiền lời, và còn có thể bị truy tố trong một vài trường hợp.

Ngoài ra, một vài người đóng thuế cũng khai khoản tín thuế nhiên liệu vượt quá mức. Nông gia và những người đóng thuế nào sử dụng nhiên liệu cho công việc thực hiện ngoài đường lộ sẽ có thể hội đủ tiêu chuẩn được tín thuế nhiên liệu, nhưng nhiều người khác lại khai tín thuế này khi nghề nghiệp hay mức lợi tức của họ không đủ điều kiện hưởng. Gian lận liên quan tới tín thuế nhiên liệu bị xem là vấn đề lặt vặt và có thể phải nộp phạt $5,000.

Khai Gian Tiền Hoàn Thuế theo Mẫu 1099 (False Form 1099 Refund Claims)

Ở dạng lừa đảo vẫn còn xảy ra này, thủ phạm sẽ nộp tờ khai thông tin giả tạo - chẳng hạn như Mẫu 1099 OID (Original Issue Discount, hay Chiết Khấu Ngay Lúc Phát Hành) - để minh chứng cho mục ghi khống phần hoàn tiền trên tờ khai thuế tương ứng. Trong một vài trường hợp, có người từng khai tiền hoàn thuế dựa theo luận thuyết mù mờ bảo rằng chánh phủ liên bang đang lưu giữ những trương mục bí mật cho công dân Hoa Kỳ, và người đóng thuế có thể sử dụng trương mục này khi điền và nộp mẫu 1099-OID lên IRS.

Đừng dại dột nghe theo những kẻ khuyến khích khai khoản khấu giảm hay tín dụng mà quý vị không được quyền hưởng, và cũng đừng sẵn lòng cho người khác sử dụng thông tin của quý vị để đệ nộp tờ khai giả tạo. Nếu quý vị can dự vào mánh khóe như thế thì sẽ bị trừng phạt tài chánh, hoặc còn có thể bị truy tố hình sự.

Luận Cứ Phù Phiếm (Frivolous Arguments)

Kẻ mánh mung với mưu đồ hời hợt sẽ khuyến khích người đóng thuế khai nhiều mục phi lý và kỳ quặc để khỏi phải trả phần tiền thuế còn nợ. IRS có sẵn danh sách những luận cứ thuế vụ phù phiếm mà người đóng thuế nên tránh dùng. Các luận cứ này đều là giả dối và đã bị tòa án bài bác. Người đóng thuế có quyền tranh cãi về trách nhiệm nộp thuế tại tòa án, nhưng không một ai lại được quyền bất tuân pháp luật.

Khai Gian là Không Có Lương Bổng (Falsely Claiming Zero Wages)

Muốn hạ thấp số tiền thuế phải trả nhưng lại đệ nộp tờ khai thông tin giả tạo thì là điều phi pháp. Mẫu 4852 (Thay Cho Mẫu W-2) hoặc Mẫu 1099 “đã điều chỉnh” thường được sử dụng theo cách sai quấy để hạ giảm lợi tức chịu thuế xuống bằng 0. Người đóng thuế cũng có thể nộp bản khai trình để bác bỏ các khoản lương bổng và thuế đã trình báo lên IRS.

Đôi khi kẻ gian lận còn kèm thêm phần giải thích trên Mẫu 4852, trong đó trích dẫn lời văn pháp quy chuyên định nghĩa lương bổng, hoặc ghi thêm đôi điều tham chiếu về hãng nào đó từng khước từ gởi Mẫu W-2 đã điều chỉnh vì sợ IRS trả đũa. Người đóng thuế phải cưỡng lại mọi kiểu xúi giục can dự vào bất cứ biến thể nào của mánh khóe này. Đệ nộp dạng tờ khai này thì sẽ bị phạt $5,000.

Lạm Dụng Các Khoản Khấu Giảm và Tổ Chức Từ Thiện (Abuse of Charitable Organizations and Deductions)

Các kiểm soát viên của IRS cứ liên tục phát hiện trường hợp cố ý lạm dụng nhiều tổ chức thuộc đoạn 501(c)(3) - kể cả những hình thức dàn xếp sai quấy dùng dấu kín lợi tức hay tài sản để khỏi bị đánh thuế - và trường hợp bên hiến tặng có mưu đồ giữ quyền kiểm soát phần tài sản đã trao biếu hoặc lợi tức từ tài sản đã cho đi. IRS đang điều tra các mánh khóe liên quan tới việc biếu tặng tài sản không phải là tiền mặt, trong đó kể cả tình thế có nhiều tổ chức đồng khai trọn giá trị của cùng một khoản đóng góp phi tiền tệ. Thường thì những mục hiến tặng này bị ghi lố giá trị, hoặc tổ chức tiếp nhận đã hứa hẹn là sau này bên quyên góp có thể mua lại các mục đó với giá do bên quyên góp ấn định. Đạo Luật Bảo Vệ Hưu Bổng (Pension Protection Act) năm 2006 đã gia tăng mức tiền phạt khi định giá không thỏa đáng và thiết lập tiêu chuẩn mới đối với kết quả định giá hội đủ điều kiện.

Giả Dạng Quyền Sở Hữu Công Ty (Disguised Corporate Ownership)

Các đệ tam nhân dễ bị lợi dụng sai quấy để xin mã số hãng sở và thành lập những công ty với mục đích che đậy quyền sở hữu đích thực trong doanh nghiệp.
Những pháp nhân này thường bị sử dụng để: trình báo lợi tức ít hơn thực tế, khai các khoản khấu giảm hư cấu, tránh phải khai thuế, góp mặt vào nhiều giao dịch đã liệt kê, tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động tiêu chạy tiền và tội phạm tài chánh. IRS đang hợp tác với chánh quyền tiểu bang để nắm rõ những pháp nhân này và bắt chủ sở hữu phải tuân hành pháp luật.

Sử Dụng Quỹ Tín Thác Sai Mục Đích (Misuse of Trusts)

Suốt nhiều năm qua, những kẻ mánh mung vô lương tâm thường thúc giục người đóng thuế chuyển tài sản vào quỹ tín thác. Các quỹ này có công dụng hợp pháp khi hoạch định tài sản và tiền thuế, nhưng một vài giao dịch rất đáng ngờ lại ngầm chứa mục đích hạ thấp phần lợi tức phải nộp thuế, khấu trừ phí tổn cá nhân và giảm thiểu khoản thuế đánh trên tài sản hay quà tặng. Dạng quỹ tín thác đó hiếm khi mang lại lợi ích thuế vụ như đã hứa hẹn, và thường được dùng làm phương tiện né tránh thuế lợi tức và bưng bít tài sản không để chủ nợ soi mói - trong đó kể cả IRS.

Ban nhân viên IRS nhận thấy có sự gia tăng tỷ lệ sử dụng sai quấy đối với quỹ niên kim tư hữu và quỹ tín thác ngoại quốc để chuyển lợi tức quanh co và khấu trừ phí tổn cá nhân. Cũng như những cách thức dàn xếp khác, người đóng thuế phải hỏi xin lời khuyên của chuyên viên đáng tin cậy trước khi ký kết giao ước lập quỹ tín thác.