IRS tiếp tục với Dirty Dozen trong tuần này, kêu gọi người đóng thuế tiếp tục đề phòng các trò gian lận liên quan đến đại dịch bao gồm trộm cắp những quyền lợi được hưởng và các bài đăng không có thật trên mạng xã hội

IR-2022-117, ngày 6/6/2022

WASHINGTON – Hôm nay, Sở Thuế vụ đã khởi động tuần lễ với mục thứ 5 trong danh sách cảnh báo lừa đảo Dirty Dozen hàng năm vào năm 2022, với một lời nhắc nhở đáng buồn rằng bọn tội phạm vẫn sử dụng đại dịch COVID-19 để lấy cắp tiền và danh tính của mọi người bằng các điện thư không có thật, các bài đăng trên mạng xã hội và các cuộc gọi điện thoại bất ngờ, cùng những thứ khác.[BT1]

Những trò gian lận này có thể dưới nhiều hình thức, bao gồm sử dụng thông tin thất nghiệp và đề nghị làm việc giả để lấy cắp tiền và thông tin từ mọi người. Tất cả những nỗ lực này có thể dẫn đến việc thông tin cá nhân nhạy cảm bị đánh cắp, và những kẻ lừa đảo sử dụng thông tin này để cố gắng khai thuế gian lận cũng như gây hại cho nạn nhân theo những cách khác.

Ủy Viên IRS Chuck Rettig cho biết: "Những kẻ lừa đảo tiếp tục sử dụng đại dịch như một phương kế để hù dọa hoặc khiến những người có thể trở thành nạn nhân bị lúng túng dẫn đến giao ra số tiền họ vất vả mới kiếm được hoặc thông tin cá nhân của họ." "Tôi kêu gọi mọi người thận trọng với những cuộc gọi, tin nhắn và điện thư đáng ngờ hứa hẹn những quyền lợi được hưởng không tồn tại."

IRS đã biên soạn danh sách Dirty Dozen hàng năm trong hơn 20 năm như một cách để cảnh báo người đóng thuế và cộng đồng chuyên gia thuế về các trò và mưu đồ lừa đảo. Danh sách này không phải là một văn bản pháp lý hoặc một danh sách theo nghĩa đen về các ưu tiên thực thi của cơ quan. Nó được thiết kế để nâng cao nhận thức của nhiều độc giả có thể không phải lúc nào cũng biết được những diễn biến liên quan đến quản lý thuế.

Rettig nói thêm: "Thận trọng và nhận thức là những hàng phòng thủ tốt nhất của chúng ta trước những tên tội phạm này." "Mọi người nên xác minh thông tin trên một trang web đáng tin cậy của chính phủ, chẳng hạn như IRS.gov."

Một trò lừa đảo phổ biến mà IRS tiếp tục thấy trong giai đoạn này liên quan đến việc lợi dụng các cuộc khủng hoảng có ảnh hưởng đến tất cả hoặc hầu hết mọi người trong quốc gia, chẳng hạn như đại dịch COVID-19. Một số trò lừa đảo mà mọi người nên tiếp tục đề phòng bao gồm:

Lừa đảo về Khoản Thanh toán Tác động Kinh tế và tiền hoàn thuế: Những kẻ trộm cắp danh tính cố gắng sử dụng các khoản Thanh Toán Tác Động Kinh Tế (EIP), còn được gọi là các khoản chi trả kích thích kinh tế, là mối đe dọa liên tục đối với các cá nhân. Tương tự như lừa đảo về tiền hoàn thuế, người đóng thuế nên đề phòng những dấu hiệu lừa đảo sau:

Mọi tin nhắn văn bản, cuộc gọi đến ngẫu nhiên hoặc điện thư hỏi về thông tin trương mục ngân hàng, yêu cầu người nhận bấm vào đường dẫn hoặc xác minh dữ liệu sẽ được coi là đáng ngờ và cần được xóa mà không mở ra. Điều này không chỉ bao gồm các khoản chi trả kích thích kinh tế, mà còn bao gồm các khoản tiền hoàn thuế và các vấn đề thường gặp khác.

Hãy nhớ rằng Sở Thuế Vụ sẽ không liên lạc qua điện thoại, điện thư, văn bản hoặc phương tiện truyền thông xã hội để yêu cầu số An Sinh Xã Hội hoặc thông tin cá nhân hoặc tài chánh khác liên quan đến khoản Thanh Toán Tác Động Kinh Tế. Cũng phải cảnh giác với hành vi trộm cắp hộp thư. Thường xuyên kiểm tra thư và khai báo việc mất thư đáng ngờ cho thanh tra bưu chính.

Lời nhắc: IRS đã phát hành tất cả các Khoản Thanh Toán Tác Động Kinh Tế. Hầu hết những người đủ điều kiện đã nhận được các khoản chi trả kích thích kinh tế của mình. Những người thiếu khoản chi trả kích thích kinh tế hoặc nhận ít hơn toàn bộ số tiền có thể đủ điều kiện để yêu cầu Khoản Tín Thuế Trợ Cấp Phục Hồi trên tờ khai thuế liên bang năm 2020 hoặc 2021 của họ. Người đóng thuế nên nhớ rằng trang web Sở Thuế Vụ, IRS.gov, là trang web chính thức của cơ quan này để cung cấp thông tin về các khoản chi trả, tiền hoàn thuế và các thông tin thuế khác.

Gian lận thất nghiệp dẫn đến Mẫu 1099-G của người đóng thuế không chính xác: Vì đại dịch, nhiều người đóng thuế đã mất việc làm và nhận được bồi thương thất nghiệp từ tiểu bang. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo cũng lợi dụng đại dịch này bằng cách khai thuế giả mạo để nhận bồi thường thất nghiệp bằng cách sử dụng thông tin cá nhân bị đánh cắp của những cá nhân chưa khai thuế để yêu cầu. Các khoản chi trả được thực hiện do những yêu cầu gian lận này đã vào tay những kẻ trộm cắp danh tính.

Người đóng thuế cũng nên theo dõi Mẫu 1099-G (tiếng Anh) khai báo khoản bồi thường thất nghiệp mà họ không nhận được. Đối với những người rơi vào tình huống này, Sở Thuế Vụ khuyến nghị họ liên lạc với cơ quan tiểu bang phù hợp để nhận mẫu đơn được sửa đổi. Nếu không thể lấy được mẫu đơn đã được sửa lại cho đúng để người đóng thuế có thể khai thuế kịp thời, thì người đóng thuế chỉ nên điền vào tờ khai của mình để yêu cầu khoản bồi thường thất nghiệp và thu nhập khác mà họ thực sự nhận được. Xem Trộm Cắp Danh Tính Và Bồi Thường Thất Nghiệp để biết chi tiết thuế và DOL.gov/fraud (tiếng Anh) để biết thông tin khai báo theo từng tiểu bang.

Những lời mời làm việc giả được đăng trên mạng xã hội: Đã có rất nhiều báo cáo về các tin tuyển dụng giả trên mạng xã hội. Đại dịch đã tạo ra nhiều người thất nghiệp mới mong muốn tìm kiếm việc làm mới. Những bài đăng giả mạo này lôi kéo nạn nhân cung cấp thông tin tài chánh cá nhân của họ. Điều này tạo thêm rủi ro về thuế cho mọi người vì thông tin này có thể được sử dụng để khai thuế gian lận nhằm nhận được tiền hoàn thuế gian lận hoặc được sử dụng trong một số nỗ lực phạm tội khác.

Tổ chức từ thiện giả mạo đánh cắp tiền của quý vị: Các tổ chức từ thiện giả luôn là một vấn đề. Họ có xu hướng trở thành mối đe dọa lớn hơn khi có một cuộc khủng hoảng cấp quốc gia như đại dịch.

Những người đóng thuế tặng tiền hoặc hàng hóa cho một tổ chức từ thiện có thể yêu cầu khấu trừ trên tờ khai thuế liên bang. Người đóng thuế phải đóng góp cho một tổ chức từ thiện đủ điều kiện để được khấu trừ. Để kiểm tra tư cách của một tổ chức từ thiện, hãy sử dụng công cụ Tìm Kiếm Tổ Chức Được Miễn Thuế của Sở Thuế Vụ.

Dưới đây là một số mẹo cần nhớ về các trò gian lận từ thiện giả mạo:

  • Các cá nhân không bao giờ nên để bất kỳ người gọi nào gây áp lực cho mình. Một tổ chức từ thiện hợp pháp sẽ rất vui khi nhận được khoản đóng góp bất cứ lúc nào, vì vậy không có gì phải vội vàng. Các nhà tài trợ được khuyến khích dành thời gian để tìm hiểu.
  • Các nhà tài trợ tiềm năng nên hỏi tên, địa chỉ trang web và địa chỉ gửi thư chính xác của tổ chức từ thiện để có thể xác nhận sau này. Một số người tiếp thị qua điện thoại không trung thực sử dụng những cái tên giống như các tổ chức từ thiện nổi tiếng lớn để gây nhầm lẫn cho mọi người.
  • Hãy cẩn thận với cách chi trả một khoản đóng góp. Các nhà tài trợ không nên làm việc với các tổ chức từ thiện yêu cầu họ chi trả bằng cách đưa số từ thẻ quà tặng hoặc bằng cách chuyển tiền. Đó là cách những kẻ lừa đảo yêu cầu mọi người trả tiền. An toàn nhất là chi trả bằng thẻ tín dụng hoặc chi phiếu – và chỉ sau khi đã tìm hiểu về tổ chức từ thiện.

Để biết thêm thông tin về việc tránh các tổ chức từ thiện giả mạo, hãy truy cập trang web của Ủy Ban Thương Mại Liên Bang (tiếng Anh).