Khởi Sự Chýõng Trình Tự Nguyện Khai Báo Đặc Biệt Lần Thứ Hai; Thời Hạn Cuối cho Những Người Có Tài Sản Che Dấu Ở Hải Ngoại - ngày 31 tháng Tám

Thông báo: Nội dung lịch sử


Đây là một tài liệu lưu trữ hoặc lịch sử và có thể không phản ánh luật pháp, chính sách hoặc thủ tục hiện hành.

IR-2011-14, ngày 8 tháng Hai, 2011

WASHINGTON — Hôm nay Sở Thuế Vụ (IRS) đã thông báo chương trình tự nguyện khai báo đặc biệt được thiết kế để đưa tiền bạc che dấu ở hải ngoại vào lại hệ thống thuế vụ Hoa Kỳ và giúp những người có khoản lợi tức chưa kê khai từ các trương mục che dấu ở hải ngoại khai báo mức thuế hiện tại của họ. Chương trình tự nguyện khai báo mới sẽ có hiệu lực đến ngày 31 tháng Tám, 2011.

Ủy Viên IRS - Doug Shulman - cho biết, "Khi chúng tôi tiếp tục thâu thập càng nhiều thông tin và truy tố càng nhiều người trên thế giới, thì nguy cơ của những người có tài sản che dấu ở hải ngoại càng tăng lên". "Nỗ lực mới này giúp cho những người có khoản tiền che dấu trong các trương mục ở hải ngoại có cách thức gay go nhưng công bằng để giải quyết dứt khoát vấn đề thuế má của họ. Và cũng tạo cho mọi người cơ hội tự giác trước khi chúng tôi tìm ra họ".

Quyết định khởi sự chương trình khai báo đặc biệt lần thứ hai của IRS sau khi chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của những người khai thuế có trương mục ở hải ngoại. Chương trình tự nguyện khai báo đặc biệt lần thứ nhất đã kết thúc vào ngày 15 tháng Mười, 2009 với 15,000 người tự nguyện khai báo. Kể từ đó, có hơn 3,000 người khai thuế đã tự giác khai báo các trương mục ngân hàng trên khắp thế giới với IRS. Những người khai thuế này cũng sẽ đủ tiêu chuẩn được tận dụng những điều khoản đặc biệt của chương trình mới.

Shulman cho biết, "Giống như tôi đã tuyên bố ngay từ đầu, mục tiêu là để đưa mọi người vào lại hệ thống thuế vụ Hoa Kỳ". "Chống trốn thuế quốc tế là ưu tiên hàng đầu của IRS. Chúng tôi có nhiều hồ sơ và ngân hàng bổ túc đang được duyệt xét. Tình hình cũng sẽ ảm đạm hơn trong vài tháng sắp tới cho những người có tài sản và khoản lợi tức che dấu ở hải ngoại. Chương trình khai báo mới này là cuối cùng, cơ hội tốt nhất để mọi người vào lại hệ thống".

Chương trình mới đã thông báo hôm nay – có tên là Hoạch Định Tự Nguyện Khai báo Hải Ngoại 2011 (2011 Offshore Voluntary Disclosure Initiative, hay OVDI) -- có vài thay đổi so với Chương Trình Tự Nguyện Khai báo Hải Ngoại 2009 (2009 Offshore Voluntary Disclosure Program, hay OVDP). Khoản phạt tổng quát của chương trình 2011 cao hơn, nghĩa là người nào không tự giác khai báo qua chương trình tự nguyện khai báo 2009 sẽ không được lợi nếu chần chờ. Tuy nhiên, chương trình 2011 cũng có thêm các điều khoản mới.

Đối với chương trình 2011, có khoản phạt mới đòi hỏi nhiều người phải trả mức tiền phạt bằng 25 phần trăm (%) số tiền trong các trương mục ngân hàng ở hải ngoại trong năm có tổng kết toán trương mục cao nhất trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2010. Một số người khai thuế sẽ đủ tiêu chuẩn theo mức phạt 5 hoặc 12.5 phần trăm. Người tham gia cũng phải trả tiền thuế còn nợ và tiền lời trong đến tám năm cũng như trả tiền phạt liên quan đến việc khai thuế không chính xác và/hoặc do trả thuế không đúng hạn.

Người khai thuế tham gia vào chương trình mới phải nộp tất cả các tờ khai thuế gốc và sửa đổi, và kể cả trả tiền thuế, tiền lời và tiền phạt liên quan đến việc khai thuế không chính xác trước thời hạn cuối là ngày 31 tháng Tám.

IRS cũng đang có các sửa đổi khác trong chương trình khai báo 2011.

Người tham gia chịu mức phạt 25 phần trăm, nhưng người khai thuế trong những hoàn cảnh giới hạn có thể đủ tiêu chuẩn theo mức phạt 5 phần trăm.

IRS cũng ấn định mức phạt mới là 12.5 phần trăm để giải quyết các trương mục nhỏ hơn ở hải ngoại. Người nào có trương mục hoặc tài sản ở hải ngoại không vượt quá $75,000 trong bất cứ niên lịch nào áp dụng chương trình 2011 sẽ đủ tiêu chuẩn theo mức thấp hơn này.

Chương trình 2011 cung cấp quyền lợi rõ ràng để khuyến khích người khai thuế tự giác vào lúc này hơn là nguy cơ bị IRS tìm ra. Người khai thuế nào có tài sản ở hải ngoại chưa khai báo không tự giác sẽ gánh chịu mức phạt cao hơn cũng như có thể bị truy tố hình sự.

Shulman phát biểu, "Đây là cơ hội công bằng cho những người có trương mục ở hải ngoại muốn làm điều đúng cùng với những người khai thuế của quốc gia". "Chương trình này tạo cho họ cơ hội được biết chắc chắn về cách thức giải quyết trường hợp của họ ra sao. Cũng là điều quan trọng, những người thành thật tự nguyện cũng có thể tránh bị truy tố hình sự".

IRS đang thẩm định tiến trình giải quyết những trường hợp tự nguyện khai báo tại các đơn vị trung tâm để cứu xét đơn một cách thỏa đáng hơn.

IRS cũng sẽ mở một chuyên mục mới trên mạng lưới www.IRS.gov để đăng toàn bộ các điều khoản và điều kiện trong Hoạch Định Tự Nguyện Khai báo Hải Ngoại 2011, kể cả bộ câu hỏi và câu trả lời bao quát để giúp đỡ người khai thuế và chuyên viên khai thuế. Mạng lưới này cũng đăng thông tin chi tiết về cách thức để mọi người có thể tự nguyện khai báo.

Trong chương trình tự nguyện khai báo lần thứ nhất vào năm 2009, người khai thuế chịu mức phạt tối đa 20 phần trăm trong khoảng thời gian đến sáu năm. Người khai thuế đã tự giác với khoảng 15,000 người tự nguyện khai báo, trong nỗ lực đó gồm có các ngân hàng tại hơn 60 quốc gia.

Shulman cho biết rằng nỗ lực của IRS trên thương trường quốc tế sẽ chỉ tăng lên trong thời gian sắp tới.

Shulman tuyên bố, "Tánh cách giữ bí mật thuế má ngày càng bị thu hẹp". "Chúng ta không buôn lơi vấn đề thuế quốc tế, và sẽ nỗ lực hơn nữa trong công việc này. Đối với những người có tiền mặt hoặc tài sản che dấu ở hải ngoại, bây giờ là lúc để tự giác khai báo. Nguy cơ bị phát hiện chỉ tăng thêm".